Giáo dục Việt Nam

Nhân bài Havard bàn về khủng hoảng giáo dục Việt Namhttp://tuanvietnam.net/vn/harvard/7962/index.aspx

tôi có một vài suy nghĩ về tình hình Việt Nam lúc này:

Từ bài viết trên, chúng ta có được 2 bảng số liệu đáng chú ý về thực trạng khoa học nước nhà:

 

 

Bài viết được xuất bản trên các tạp chí khoa học năm 2007

Cơ sở

Quốc gia

Số bài viết

Đại học tổng hợp Quốc gia Seoul

Hàn Quốc

5.060

Đại học tổng hợp Quốc gia Singapore

Singapore

3.598

Đại học tổng hợp Bắc Kinh

Trung Quốc

3.219

Đại học tổng hợp Phúc Đan

Trung Quốc

2.343

Đại học tổng hợp Mahidol

Thái Lan

950

Đại học tổng hợp Chulalongkorn

Thái Lan

822

Đại học tổng hợp Malaya

Malaysia

504

Đại học tổng hợp Philippines

Philippines

220

Đại học Quốc gia Việt Nam (Hà Nội và thành phố HCM)

Việt Nam

52

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Việt Nam

44

Nguồn: Science Citation Index Expanded, Thomson Reuters

 

Chỉ số sáng tạo

Quốc gia

Số  bằng sáng chế được cấp năm 2006

Hàn Quốc

102.633

Trung Quốc

26.292

Singapore

995

Thailand

158

Malaysia

147

Philippines

76

Việt Nam

0

Nguồn: World Intellectual Property Organization, 2008 Statistical Review 

 

 Cách đây không lâu tháng 12/2008, ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một bản báo cáo về kinh tế Việt Nam mà nội dung của nó là:

Báo cáo Phát triển Việt Nam (VDR) của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 12/2008 tính toán 158 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.

Nhìn vào chi tiết hơn của vấn đề chúng ta thấy rằng:

 - Hiện nay thì Giáo dục (gốc rễ của việc phát triển Khoa học) của chúng ta đã và đang lệch lạc, thậm chí là một sai lầm.

 - Kinh tế Việt Nam đang tiến theo quan điểm ngắn hạn. Những năm gần đây, về sản phẩm, hàng hóa chúng ta gần như không có tiến bộ gì trong khi những ngành ký sinh trên nền kinh tế như ngân hàng, tài chính, dịch vụ, phân phối, bán lẻ, vận chuyển... phát triển mạnh. 

 

Về giáo dục:

Tồn tại 

1) Trước hết chúng ta thấy rằng: ở bậc học phổ thông, học sinh phải học quá nhiều nhưng tính lợi ích không cao. 

 Thay vì phải xem xét, nghiên cứu và phản bác kiến thức để từ đó phát triển nó ở những mức độ khác nhau từ đính chính, sửa đổi đến đột phá, sáng tạo thì nền giáo dục phổ thông của chúng ta tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, coi trọng và đẩy mạnh việc áp dụng kiến thức ở những mức độ từ thấp đến cao.

 Đơn cử trong môn toán, học sinh được dậy lý thuyết, sau đấy được học và làm theo những bài tập từ đơn giản đến rất khó chủ yếu được các tác giả và giáo viên dịch ra từ các sách nước ngoài. Điều này khiến cho học sinh giỏi ở Việt Nam trở thành những "thợ giải bài tập trong công xưởng trường học".

 Vì học sinh nào cũng học hỏi lý thuyết và nghiễm nhiên chấp nhận nó như chân lý đã vô tình giết chết khả năng phản biện cũng như sức sáng tạo hay ham muốn chỉ ra tính sai lầm của lý thuyết - mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục. Việc học thêm tối ngày với nhiều ca học để có 1 chỗ trong trường Đại học đã khắc sâu tính "Thợ" trong sinh viên đến nỗi mà có cảm tưởng như việc nghiên cứu tìm ra những điều hữu ích, mới cho Xã Hội - ý nghĩa lớn nhất của bậc Đại Học - gần như không tồn tại ở cả giảng viên và sinh viên Việt Nam. Kết quả tồi tệ được thể hiện qua 2 bảng số liệu ở trên.

  Sai lầm trầm trọng về mục tiêu hay mục đích của giáo dục này được xuất phát từ khá lâu, ngay từ buổi đầu của nền giáo dục nước nhà. Để thay đổi điều này là rất không dễ vì chúng ta đang tồn tại cả một hàng ngũ giáo viên như thế, học sinh thì đương nhiên không có vai trò quyết định gì.

 

 Nghe thì có vẻ là bi quan, nhưng thực tế cho thấy rằng nền giáo dục của chúng ta có thể chẳng thu được kết quả nào nếu tiếp tục đi theo con đường hiện tại trong các năm tới.

 

2) Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, những giá trị đạo đức là rào cản lớn cho giáo dục nước nhà.

Học trò được dậy cần phải tôn sư trọng đạo, coi thầy cô giáo như cha mẹ, điều này đã vồ tình khiến cho lớp học trở thành nơi truyền giáo, dạy dỗ và tù túng. Những ý kiến của thầy cô là chân lý trong lớp học và không ai có quyền phản bác lại ý kiến của họ. Thực tế chúng ta phải thấy bản chất sâu xa rằng, người thầy chỉ có vai trò trung gian chuyển tải kiến thức từ người nghĩ ra nó đến người cần học nó. 

Điều có thể tạm gọi là "tiêu cực" cho giáo dục này, tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước châu Á.

Điều đáng tiếc là: nguyên nhân của việc tụt hậu của phương Đông so với phương Tây trong khả năng sáng tạo và tìm ra những cái mới có một phần quan trọng là từ việc coi trọng quá mức vị trí của người thầy trong Xã hội. Đáng nhẽ chúng ta phải thay đổi một chút, đưa người thầy ở mức độ hợp lý và đề cao, tôn vinh xứng đáng những nhà khoa học, nhà nghiên cứu... vì chính họ mới là người tạo ra toàn bộ những thứ mà chúng ta có hôm nay.

 

3) Chảy máu chất xám.

Những người tạm gọi là "học giỏi" của Việt Nam, do nhận thấy một cách từ mơ hồ đến  rõ ràng về tình hình và thực trạng của giáo dục cũng như đời sống của nước nhà, tìm nhiều cách nếu không muốn nói là có một bộ phận chiếm đa số tìm mọi cách để được "thoát ly". Chân trời mới giải quyết cho họ những vấn đề thuộc về cá nhân như môi trường học tập, nghiên cứu, danh tiếng, kinh tế.... cho cá nhân và cả gia đình họ.

Điều này khiến cho bao nhiêu thứ quý báu nhất của dân tộc lại được dùng để tạo ra lợi ích cho một hay một số Quốc gia vốn đã rất mạnh. Nó hiển nhiên tạo thành hẳn một dòng chảy khắc sâu trong suy nghĩ của Xã hội.

 

 

Giải quyết

 

Để giải quyết những vấn đề hiện tại của Việt Nam là không khó, tuy nhiên ai sẽ là người bấm nút khởi động và bao giờ người đó mới xuất hiện thì vẫn là một câu hỏi lớn:

 

 1) Để giải quyết vấn đề thứ nhất ta chỉ cần phải thay đổi 2 điều sau:

       a) Thay đổi cách thi cử. Khiến cho thi cử thật nhẹ về kiến thức nhưng nặng về tư duy, đến nỗi mà một người có trí tuệ vượt trội có thể vào Đại Học sớm trước nhiều năm. Nói cách khác là chúng ta làm theo kỳ thi SAT hay tương tự. Một đứa trẻ 8 tuổi nếu thông minh ở mức 1 phần triệu có thể dễ dàng vào được Đại Học. Hệ lụy là tình trạng nhồi nhét kiến thức không cần thiết, học dạng, luyện lò ... chấm dứt và quan trọng là loại bỏ được yếu tố "thợ" đã ngự trị trong học sinh sinh viên cũng như giáo viên của chúng ta hiện nay.

       b) Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta phải giải quyết là thu nhập cho giáo viên. Có thể nói hiện nay việc nhà nước trả lương cho giáo viên tồn tại nhiều bất cập. Cách đây 20 năm những điều này là đúng, nhưng hiện tại thì nó không còn đúng ít ra ở khu vực thành thị và các nơi khá phát triển về kinh tế. Chúng ta sẽ xem xét giải pháp sau:

-  Chúng ta xóa bỏ trường công lập ở các thành phố lớn. Kèm theo nhà nước không trả lương cho giáo viên. Mà tiền lương của giáo viên sẽ được đóng góp từ phụ huynh học sinh. Lưu ý là xét trên tổng thể mà nói thì phụ huynh sẽ không phải đóng góp nhiều hơn cho việc học của con cái mà ít hơn rất nhiều, họ sẽ không phải chi tiền học thêm, học nếm, luyện lò rất mất thời gian mà không được lợi lộc gì cho dân tộc. Việc luyện lò như hiện nay khiến tiền của phụ huynh tập trung vào 1 số ít giáo viên giỏi luyện gà và có năng lực trong việc tìm kiếm và giảng dạy những vấn đề nóng, còn đại đa phần giáo viên chẳng có cơm cháo gì.

- Dồn toàn bộ ngân sách đáng nhẽ để trả lương cho giáo viên ở thành thị cho giáo viên ở các tỉnh khó khăn, duy trì trường công lập ở đây, vô hình chung lương của giáo viên nơi đây sẽ tăng lên đáng kể.

Tóm lại với giải pháp đơn giản, cở bản và thực hiện dễ dàng trên chúng ta nâng đời sống của giáo viên lên một mức cao nhất có thể mà Xã Hội không phải chi thêm bất kỳ đồng nào. 

 

   2) Vấn đề thứ 2 là một vấn đề khó, tuy nhiên, thay vì đánh thẳng trực tiếp vào nó, ta có thể đánh gián tiếp bằng cách tăng dần và mạnh mẽ vị trí của học trò trong trường học.

 Giống như chúng ta nói ở đây, một lớp học gồm 40 học sinh có quyền chọn ai dạy mình bằng cách đánh giá điểm cho giáo viên, nhanh chóng điều này sẽ khiến cho các giáo viên trở về thực tại và nâng cao chất lượng giảng dạy, cạnh tranh với nhau để có chỗ đứng trong trường...

 Điều này tuy nói thì dễ, nhưng ai dám làm, và đương nhiên họ phải đối mặt với toàn thể những thầy cô giáo lâu năm, ít năm... Nói chung chúng ta cần phải có một cách mạng trong tư duy  Xã hội về người giáo viên để có thể làm cho các học trò những người có khả năng sáng tạo mạnh mẽ nhất có thể tranh luận với giáo viên, chỉ ra những sai lầm của lý thuyết và kiến thức.

 

   3) Vấn đề thứ 3 nghe thì có thể bi quan nhưng nó là vô phương cứu chữa trong hoàn cảnh hiện nay khi mà chênh lệch về các điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng và kinh tế cũng như danh tiếng... của nước ta còn quá lớn so với các nước phát triển.

 Có thể nói rằng tốt nhất là chúng ta mong chờ kinh tế phát triển, sau đó mới giải quyết vấn đề chảy máu chất xám.

 Nhiều học giả đã không tiếc giấy mực để cố gắng giải quyết vấn đề chảy máu chất xám, nhưng xét trên logic học thì có vẻ như chẳng có lợi ích gì. Vấn đề chỉ được giải quyết khi nguyên nhân của nó được giải quyết, mà nguyên nhân của nó thì rõ ràng là vấn đề điều kiện làm việc, kinh tế... cả 2 điều này Việt Nam của chúng ta ai cũng thấy là chênh lệch rất xa so với các nước phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải nâng cao đãi ngộ, nhưng đãi ngộ nâng cao trong khi năng lực về kinh tế của nước ta còn yếu thì không khác nào bắt người đang bệnh đi bộ để cạnh tranh với một người khỏe mạnh đang chạy. Lợi ích mang lại có thể không cao. 

 

  4) Những tiểu xảo[1] cũng không kém phần quan trọng: 

 

a) Điều hay nhất của chúng ta cần làm là thực hiện cuộc trường chinh trong giáo dục để tìm ra giải Nobel đầu tiên về khoa học của nước nhà. Giải thưởng cần phải được trích ra và đủ lớn ví dụ 100 tỷ đồng VN.

 Nếu tồn tại một người mang lại giải Nobel cho Việt Nam về khoa học thì chẳng khác nào chúng ta đã thành công trong giáo dục. Lợi ích thực tế của một giải Nobel có thể không lớn, nhưng nó sẽ chìa khóa để mơ ra trào lưu nghiên cứu khoa học. 

 

b) Chúng ta cũng có thể áp dụng tiểu xảo không tốn tiền bằng cách lập ra những bảng xếp hạng trường Đại Học của Việt Nam đồng thởi cải cách vấn đề chọn trường.

 Ví dụ: Tạo ra 1 bảng xếp hạng Đại Học của Việt Nam dựa trên tiêu chí đầu bảng là số lượng và chất lượng bài viết trên các tạp chí khoa học hàng đầu của thế giới.

  Chúng ta đồng thời cũng đặt ngược lại vấn đề chọn trường của học sinh cuối cấp. Thay vì học sinh A phải chọn trường ABC trước khi thi và biết kết quả thì học sinh ấy sẽ được chọn trường sau khi thi và biết kết quả.

 Điều này làm hại học sinh A ít ra trong việc xác định khả năng của mình, tuy nhiên tạo ra một làn sóng cạnh tranh khốc liệt giữa các trường Đại Học.  Đương nhiên với số điểm cao, em A sẽ vào trường ĐH mà em cho là tốt nhất.

 

c) Với các lãnh đạo và giảng viên của các trường, người có số lượng bài viết và chất lượng bài viết trên các tạp chí uy tín quốc tế đứng đầu sẽ vào đảm nhận trưởng khoa X của trường Y, còn những tiến sĩ giấy thì vào làm phụ giảng nếu không có công trình khoa học nào được biết đến ở tầm quốc tế.

Việc chọn lọc giảng viên ở mức độ cao này không những tốt cho chất lượng giảng dạy mà còn kéo theo sự thay đổi quan điểm của sinh viên, họ mau chóng nhận ra và khâm phục người thầy của mình, đồng thời mở ra cánh cửa cho sức sáng tạo và ý thức được giá trị của những gì tạm gọi là "giá trị đích thực của giáo dục".

Chúng ta không học thuộc 1000 quyển sách, cái này đã có ổ cứng của máy tính lo, vai trò của chúng ta là suy nghĩ về 1 quyển sách rồi sau đó viết ra 1 quyến sách khác.

 

Nếu chúng ta tiến hành những giải pháp này, chẳng khó để 10 năm tới khi chúng ta nhìn vào các bảng số liệu tượng như trên và thấy rằng VN xếp ngang hàng với các nước ĐNÁ chứ không cách biệt quá xa như hiện nay.

 

Về Kinh Tế 


 


Chú thích:

 [1] Từ "tiểu xảo" có thể được hiểu như một ý nghĩa tiêu cực, không đường hoàng. Tuy nhiên trong từ điển Việt Nam, từ "tiểu xảo" được giải nghĩa như sau:

"mẹo nhỏ nhưng có tính khéo léo (trong một công việc đòi hỏi phải có tài năng, có sáng tạo)."

 

 









mensa iq test | mensa test